Quantcast
Channel: Trần Kỳ Trung
Viewing all articles
Browse latest Browse all 23

TÔI HỌC KHOA SỬ - ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI I

$
0
0

 

 

                        TÔI HỌC KHOA SỬ -TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI I

 

 

               …Tháng 9 năm 1971, tôi nhập học vào khoa Sử - ĐHSP Hà Nội I. Không thể quên những kỷ niệm ban đầu. Khu A ký túc xá, trừ lúc tự hoc, còn lúc nào cũng ồn ào, không bóng đá, lại bóng chuyền,  những buổi chiều trên sân thượng của khu A từng đôi ,từng đôi chụm đầu tâm sự, mơ một tương lai đẹp ở phía xa, vẳng đâu đấy trong không gian là giọng hát của ai đó đang ngân nga: ..” Chiều thanh vắng là đây, âm thầm gió rì rào…”. Giảng đường” của chúng tôi, gọi như vậy cho “oai” thực ra chỉ là những dãy nhà lợp nứa, những bộ bàn ghế đơn sơ, cũ theo màu thời gian…nhưng chính ở “ giảng đường “ này, các thầy cô đã truyền đạt cho chúng tôi những kiến thức lịch sử. Những kiến thức đó không phải chỉ là “phương tiện” kiếm sống mà lớn hơn  rất nhiều, đó là chân lý bất diệt qua những bài học lịch sử: Con người sống phải có tự do, phải chiến đấu cho lẽ phải, trọn niềm tin vào dân, vào đất nước, vào dân tộc, đất nước này phải là của người Việt Nam… chúng tôi mang “hành trang đó” theo suốt cuộc đời. 

           Tôi cũng không thể quên những năm tháng đi sơ tán của khoa, thầy trò là một, sống như trong một đại gia đình. Máy bay Mỹ ném bom ra miền bắc, Hà Nội là một mục tiêu. Những năm tháng đó thầy trò chúng tôi tạm xa ngôi trường chính, hết Đồng Văn ( Duy Tiên – Nam Hà cũ) lại đến Đan Phượng ( Hà Tây cũ) rồi đến Khúc Lộng – Bần Yên Nhân ( Hưng Yên)… vừa tránh máy bay, vừa học, vừa đào hầm, vừa học… “ giảng đường” là những sân chùa, mái đình, sân kho hợp tác…chúng tôi ngồi bệt dưới đất, vở để trên gối ghi chép đầy đủ những lời thầy đang giảng. Phía trên là tiếng ì ầm của máy bay, góc trời có khi dậy tiếng cao sạ… nhưng trong  một ngôi chùa cổ , qua lời giảng của các thầy cô chúng tôi vẫn say sưa với vẻ đẹp kỳ vĩ Kim Tự Tháp tận Ai Cập cổ đại xa xôi, vẫn như nghe thấy tiếng hò reo của quân Vua Quang Trung, sau khi đánh bại quân Thanh,  tiến vào thành Thăng Long…Những năm tháng đó, dẫu kề cận cái chết, dẫu có bom, có cả những cuộc chia tay không hẹn ngày về nhưng đó là những năm tháng đẹp, nhiều kỷ niệm, nhớ lại chỉ có thương, yêu, và không muốn “nhòa” theo thời gian.

          Rồi cũng như bao bạn nam sinh viên lúc đó, tôi lên đường vào bộ đội, đi tự nguyện, đi xung phong, vì tôi bị cận thị, nhưng “ Chiến trường đang gọi…”, Lúc đó chúng tôi đều nghĩ như thế và khoác ba lô đi vào nơi không có khái niệm thời gian, sống, chết. Cho đến tận lúc này, khi tuổi đã quá lục tuần , nghĩ lại những năm tháng đó, nhiều lúc cũng ngạc nhiên, sao mình có thể đi được, chấp nhận được? Đâu là động lực? Những lúc nghỉ ngơi sau một ngày hành quân mệt nhọc, hay sau một trận đánh, những kỷ niệm chúng tôi hay nói nhiều nhất ngoài chuyện gia đình, quê hương, chúng tôi lại nhắc nhiều đến tình bạn, tình thầy trò trong khoa, là những ngày đi thực tế khảo cổ học ở Tứ Xã , chống lụt ở Cống Thôn hay đắp đê ở Xuân Quang và nhớ nhiều nhất là đôi mắt của người bạn gái , thương lắm, muốn yêu lắm, chưa kịp ngỏ lời đã lên đường, phía xa vẫn ánh mắt của bạn ấy dõi theo…

         Đất nước im tiếng súng, cũng là may, tôi còn sống  trở về, bao người bạn cùng trường  không có điều may mắn đó. Thành,  năm thứ ba – khoa Sử, Toàn – năm thứ nhất , Tuấn năm thứ hai khoa Địa, Long, Dư năm thứ ba khoa Văn… hồi đó có người nói với tôi nếu ngay lúc đấy được nhìn thấy cổng trường ĐHSP Hà Nội I, chết cũng thỏa lòng. Ước mơ bình dị đó không đến được với những người bạn  của tôi. Tôi vẫn mong, nếu thế giới tâm linh có thật, các bạn hãy về không những nhìn cổng trường đã to, đã đẹp, giảng đường đã lớn , đặc biệt ở đây, đã 65 năm, các thầy cô trong khoa, trong trường, những cự sinh viên, những sinh viên… không ai quên các bạn.

          Tháng 9/1975 tôi về học tiếp , lại mất ba năm, khóa cũ của tôi đã ra trường. Trở về với sức khỏe còn yếu, di chấn chiến tranh không dễ quên… nhưng tôi và nhìều bạn cùng cảnh dễ hòa nhập bởi nhiều lẽ, nhất là tình cảm của nhiều thầy cô dành cho chúng tôi. Đó là giờ học thêm, giờ phụ đạo, rồi những ai trong chúng tôi đau ốm, vết thương tái phát cả lớp đều lo, các thầy cô trong khoa đều hỏi thăm. Ở Lớp tôi có một anh bộ đội về, không may bị tai nạn, mất đột ngột, cả lớp đau đớn như trong một gia đình mất đi một người thương…các thầy cô trong khoa cũng đau buồn, cùng chúng tôi đưa anh ấy về nơi an nghỉ cuối cùng

      Sự động viên của các thầy cô giúp chúng tôi học tốt, đuổi kịp được chương trình, nhiều người sau này được giữ lại trường, trở thành cán bộ giảng dạy, tiến sỹ, giáo sư…

       Tháng 9 năm 1978 Sau khi tốt nghiệp ,theo sự phân công, tôi về làm công tác giảng dạy tại khoa sử - chính trị , trường ĐHSP Quy Nhơn. Và một năm sau, tôi ra lại Hà Nội học sau đại học. Ở  khoa Sử - chính trị ĐHSP Quy Nhơn, Thật may mắn, tôi lại được gặp nhiều thầy cô ở khoa Sử vào đây thỉnh giảng như Thầy Phan Ngọc Liên, thầy Phạm Hồng Việt, Thầy Bạch Ngọc Anh… Các thầy thỉnh giảng cho sinh viên nhưng cũng  đồng thời chỉ bảo, kèm cặp thêm về phương pháp giảng dạy, kiến thức lịch sử cho chúng tôi. Những buổi ximine, những lần trò chuyện, những buổi chiều dạo chơi ven biển… nội dung chính vẫn là trao dồi kiến thức  mà các thầy mong chúng tôi, trong một thời gian ngắn, phải nắm bắt được.

         65 năm thành lập khoa sử - ĐHSP Hà Nội I, nhìn lại, nhất là thế hệ chúng tôi, lớn lên, trưởng thành cùng khoa, thực sự tự hào. Bởi lẽ, chúng tôi đã được các thầy cô day bảo tận tình, sống hết lòng vì  sinh viên thân yêu. Chúng tôi  nhớ như in giọng nói, tác phong mẫu mực, sự chỉ bảo tận tình của các thầy như thầy Phan Ngọc Liên, thầy Bạch Ngọc Anh, thầy Phạm Hồng Việt, thầy Trương Hữu Quýnh, thầy Chiêm Tế, thầy Thái, Thầy Kiệm, Thầy Nghinh, Thầy Lư…nay các Thầy đã đi xa nhưng tôi vẫn tin rằng các Thầy vẫn dõi theo sự trưởng thành, sự cống hiến của từng cựu  sinh viên và các bạn sinh viên chúng ta. Tôi cũng từ hào một điều nữa, là cựu sinh viên khoa Lịch sử- Trường ĐHSP NộiI. với kiến thức lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc các thầy ,các cô trong khoa luôn luôn muốn sinh viên của mình phải nắm bắt được những đặc tính tốt của lòai người,  của dân tộc đó là. đã là con người phải  sống trung thực, cao thượng, có đạo đức tốt, hết lòng phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, biết nhận ra con đường sáng, đúng chân lý để đi, căm ghét quân xâm lược, quyết bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc…

        

          Đại bộ phận những con người trưởng thành từ khoa sử -Trường ĐHSP Hà Nội, qua 65 năm, khi ra trường nghĩ đúng điều đó, thực hiện đúng điều đó, không phụ lòng của các thầy, cô.

          Chúng tôi tự hào đã từng là sinh viên khoa Lịch sử - Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội I

 

      


Viewing all articles
Browse latest Browse all 23

Trending Articles